Danh Mục Bài Viết
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 757/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đến năm 2025.
Kế hoạch thực hiện Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng
Theo đó, quan điểm xây dựng kế hoạch là phải phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước Việt Nam. Tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc có tham gia. Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng bao gồm các hoạt động đồng bộ. Tổng thể đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp; không báo cáo và không theo quy định (IUU) một cách hiệu quả, thiết thực gắn với khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững và có trách nhiệm; hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân.
Mục tiêu xây dựng
Mục tiêu xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch
Nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên, bản Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng
Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm các hoạt động: Thu thập, tổng hợp, biên dịch, biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan. Tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, giới thiệu Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở. Tổ chức tập huấn/tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng ngư dân ven biển, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan về: thủ tục xin vào cảng, vào cảng, sử dụng cảng và quy trình kiểm tra, thủ tục kiểm tra tàu tại cảng; Hiệp định An toàn tàu cá (Hiệp định Cape Town-CTA 2012); điều kiện sống, làm việc của thuyền viên trên tàu theo quy định của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).
2. Đào tạo, tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực
Đào tạo, tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Theo đó, xác định nhu cầu đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực thi hiệu lực, hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng và các tổ chức, cá nhân có liên quan về: chỉ định cảng, vào cảng, sử dụng cảng, từ chối cho cập cảng; quy trình kiểm tra, thủ tục kiểm tra, báo cáo kết quả thanh kiểm tra, thẩm định dữ liệu thanh kiểm tra; thông báo, báo cáo, chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế; tranh chấp, giải quyết tranh chấp. Tổ chức hội thảo với các bên liên quan để trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng tác động đến phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU.
3. Rà soát, chỉ định và công bố
Rà soát, chỉ định và công bố cảng chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng bao gồm tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam.
Hiện tại Daxinco đang cung cấp dòng tàu cá đạt chất lượng : Qúy khách có thể tham khảo tại liên kết sau : Đèn led đánh cá chuyên dụng
4. Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách của Việt Nam
Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách của Việt Nam đảm bảo tuân thủ Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan như: Xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách đảm bảo tuân thủ Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng về: chỉ định cảng, xin phép trước khi vào cảng, vào cảng, sử dụng cảng, các điều kiện bất khả kháng; quy trình kiểm tra, thủ tục kiểm tra, báo cáo kết quả thanh kiểm tra, đào tạo thanh kiểm tra viên; thông báo, báo cáo, chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế; tranh chấp, giải quyết tranh chấp. Rà soát, hoàn thiện quy trình cho tàu nước ngoài vào cảng Việt Nam để sử dụng các dịch vụ cảng, bốc dỡ sản phẩm, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Rà soát, hoàn thiện quy trình thanh tra, kiểm tra tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng Việt Nam. Xây dựng thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.
5. Thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng
Thứ năm, thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, bao gồm: rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn lực tại cảng để đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan. Thiết lập cơ chế báo cáo, trao đổi, chia sẻ thông tin và xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi, kiểm tra, giám sát (MCS) từ trung ương đến địa phương để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp liên quan đến trách nhiệm của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển và quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế. Thiết lập cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp liên quan đến trách nhiệm của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển và quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế. Tổ chức triển khai thực thi có hiệu lực, hiệu quả các quy định về thanh tra, kiểm tra tàu, quy trình, thủ tục kiểm tra tại cảng chỉ định. Giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực trong việc thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng phù hợp với khung pháp lý và các công cụ quốc tế và khu vực có liên quan.
Giải pháp thực hiện
Nhóm giải pháp về thông tin, truyền thông
Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở các nội dung Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trong đó ưu tiên tập trung tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng thông qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Định kỳ tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở hậu cần khai thác thủy sản, tổ chức quản lý cảng.
Nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế
Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám để triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đàm phán đa phương để gia nhập các diễn đàn nghề cá quốc tế và khu vực, bao gồm tham gia các hiệp định nghề cá quốc tế và trở thành thành viên của các tổ chức quản lý nghề cá quốc tế và khu vực. Tổ chức các hội thảo, tham quan học tập để trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng ở một số nước trong khu vực. Thu hút các nguồn lực quốc tế để tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan. Nghiên cứu, đề xuất các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ FAO, NOAA và các tổ chức quốc tế, khu vực đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Xây dựng quy chế phối hợp hành động giữa các lực lượng chức năng với chính quyền các cấp để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về Biện pháp quốc gia có cảng. Huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư ven biển tham gia thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho các lực lượng chức năng trên biển, tại cảng để thực thi hiệu lực, hiệu quả các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin phục vụ công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy trình có liên quan đảm bảo thực thi có hiệu lực, hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Thiết lập mạng lưới để kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện các quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
Nhóm giải pháp về tài chính
Nguồn kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân, nguồn vốn nước ngoài và các nguồn khác. Kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan, tổ chức và các địa phương, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan. Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân để triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và kế hoạch hành động của các bộ, ngành và chính quyền các cấp để tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Tranh thủ các quyền lợi được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các nước đang phát triển; Theo Điều 21 Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, thiết lập cơ chế tài chính thích hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
Tổng Kết
Để tổ chức triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng quy chế phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Ngoại giao; đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý có liên quan (nếu có). Đầu mối tổng hợp nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng từ các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí nguồn ngân sách hàng năm theo quy định.
Thu Hiền